Thứ 4, 09/10/2024 | English | Vietnamese
08:02:00 AM GMT+7Thứ 3, 25/06/2024
Kính gửi: Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật, hiện nay, Chính phủ đang soạn thảo và dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vào kỳ họp Quốc hội tháng 6/2024. Ngày 14/6/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp với Dự thảo này. Trên cơ sở các ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia tại Hội thảo, VCCI tổng hợp các ý kiến góp ý với Dự thảo như sau:
Điều 104 Dự thảo quy định về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Cách thiết kế tạo cho quy định này không gian rất rộng để tiếp tục thực hiện theo hình thức “xin-cho”, cụ thể:
– Dự thảo quy định ngoài các trường hợp cụ thể được quy định tại Luật, khu vực không đấu giá còn có thể do Chính phủ quy định (điểm e) hoặc do Thủ tướng quyết định (điểm d). Quy định này tạo không gian rất rộng cho tình trạng xin cho khi tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng, tương tự như cách thiết kế của Luật Khoáng sản 2010. Thực tế, theo báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trên tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, chiếm tỷ lệ 1.4%. Đối với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, có 394 trên tổng số 4279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9.2%. Tỷ lệ rất thấp cho thấy đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức “xin-cho”.
– Dự thảo quy định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu khoáng sản đã được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. Quy định này có nội hàm rất lớn, bao trùm nhiều loại khoáng sản quan trọng, đặc biệt là nhóm khoáng sản kim loại như quặng bauxite, quặng titan, quặng sắt… Đây đều là những loại khoáng sản còn nhiều tiềm năng khai thác, có giá trị thương mại lớn. Khi đó, các mỏ này đều có thể chuyển thành cơ chế không đấu giá, tiếp tục thực hiện cơ chế xin cho.
Trong khi đó, hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ TNMT cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền). Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu cân nhắc quy định theo hướng tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá (hoặc đấu thầu). Việc loại trừ các khu vực khoáng sản không đấu giá có thể được thay thế bằng việc thêm các điều kiện để được tham gia đấu giá, ví dụ như các khu vực khoáng sản tại biên giới, ven biển, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thì hạn chế nhà đầu tư nước ngoài hoặc thêm thủ tục thẩm tra điều kiện về an ninh đối với nhà đầu tư trước khi đấu giá.
Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiệm vụ phải thu hút được các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lĩnh vực khoáng sản của Việt Nam đã không thu hút được các dự án đầu tư lớn, bài bản nhằm tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do pháp luật Việt Nam chưa có được cơ chế bảo hộ thích đáng đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án khoáng sản quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân lớn nhất hạn chế đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản là rủi ro chính sách. Sự thay đổi chính sách thường xuyên, liên tục theo chiều hướng bất lợi đối với các dự án khoáng sản đã đi vào hoạt động đã tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách đã tăng gấp gần ba lần so với các quy định vào thời điểm cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, như tăng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuế xuất khẩu khoáng sản.
Khoáng sản là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nên cần có môi trường kinh doanh ổn định mới có thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư bài bản, hiện đại, có khả năng thu hồi triệt để khoáng sản. Nếu các rủi ro chính sách này không được loại bỏ thì sẽ chỉ khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cố gắng khai thác những phần quặng giàu, gần mặt đất và bỏ lại tài nguyên khó khai thác hơn.
Kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực đầu tư khác cho thấy, muốn thu hút đầu tư lớn thì cần giảm rủi ro chính sách cho các dự án này. Việt Nam đang thu hút thành công các dự án đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác như chế tạo, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng nhờ sự ổn định chính sách. Các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng các sắc thuế như thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân hay kể cả thuế nhập khẩu sẽ không có sự thay đổi lớn và đột ngột trong một khoảng thời gian dài. Sự ổn định này đã không có trong lĩnh vực khoáng sản trong thời gian qua, và cũng chưa được quy định trong Dự thảo.
Vấn đề bảo hộ đầu tư các dự án lớn luôn cần sự cân bằng giữa hai yếu tố. Một bên là sự ổn định của pháp luật (đặc biệt là các nghĩa vụ tài chính với ngân sách) nhằm tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư thì họ mới bỏ vốn làm ăn. Bên kia là tự chủ của Nhà nước trong việc ban hành các quy định pháp luật vì lợi ích công cộng. Nếu không có các biện pháp bảo đảm đầu tư mạnh mẽ hơn thì chắc chắn mục tiêu thu hút đầu tư dự án lớn, kéo dài, công nghệ hiện đại sẽ không đạt được.
Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế bảo đảm đầu tư đối với các dự án khoáng sản lớn, cụ thể như sau: Nhà nước đảm bảo ổn định môi trường đầu tư về các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách; trong trường hợp có sự thay đổi pháp luật về nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách thì nhà đầu tư không bị áp dụng mới các thay đổi bất lợi trong toàn bộ hoặc 50% thời gian đầu của dự án.
Dự thảo đang quy định quản lý về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản theo hướng quy định mức tối đa có thể thực hiện. Cụ thể, công suất khai thác tối đa được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản (điều 59.2 Dự thảo), và khi có thay đổi về diện tích, công suất đến mức phải điều chỉnh thiết kế mỏ thì phải điều chỉnh (Điều 64.3 Dự thảo). Theo phản ánh của doanh nghiệp, cách tiếp cận này chưa phù hợp vì không theo quy luật thị trường, điều tiết công suất khai thác (khi nhu cầu thị trường tăng cao thì không được tăng công suất để cung cấp ra thị trường và ngược lại); và không tạo điều kiện để tận thu tối đa khoáng sản.
Hơn nữa, việc quản lý công suất còn gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên và gây thiệt hại cho Nhà nước. Cụ thể, công suất khai thác theo giấy phép được tính bằng tổng trữ lượng chia cho số năm khai thác. Trong điều kiện thông thường, doanh nghiệp chỉ được khai thác đúng bằng công suất được cho phép, nhưng trong điều kiện không thuận lợi (thị trường xuống hoặc chưa có đủ mặt bằng) thì công suất khai thác thấp hơn công suất được cấp phép. Như vậy, tính tổng thời gian, doanh nghiệp không thể khai thác hết toàn bộ trữ lượng được cấp phép, dẫn đến lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Thay vào đó, đề nghị cân nhắc cơ chế sau:
(i) công suất khai thác linh hoạt, cụ thể cho phép doanh nghiệp điều chỉnh công suất khai thác phù hợp với nhu cầu thị trường và ngoài nước, tối ưu hoá kế hoạch sản xuất hàng năm, hoặc quy định theo hướng công suất tối đa được khai thác (ví dụ 150% công suất cấp phép) và
(ii) báo cáo xin điều chỉnh ranh giới khai thác: cho phép doanh nghiệp mở rộng để tận thu tối đa tài nguyên.
Nhà nước sẽ quản lý doanh nghiệp thông qua chế độ báo cáo, xin phép (doanh nghiệp phải báo cáo, xin phép cơ quan nhà nước trước khi tiến hành hoạt động); doanh nghiệp phải đóng thuế phí cho phần khoáng sản vượt công suất, khai thác vượt ranh giới; xử phạt nếu doanh nghiệp không báo cáo, xin phép.
Luật Khoáng sản hiện mới chỉ quy định cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tách bạch với việc đầu tư dự án khai thác và có thể đi kèm chế biến khoáng sản. Như vậy, việc gắn kết khai thác và chế biến khoáng sản rất lỏng lẻo, không có cơ chế phù hợp. Thậm chí, Dự thảo còn định đưa trường hợp mỏ khoáng sản đã được quy hoạch phục vụ nhà máy chế biến thì không đấu giá. Cơ chế như vậy vừa làm giảm tính cạnh tranh của việc cấp phép khai thác khoáng sản, vừa không bảo đảm khoáng sản sẽ được chế biến một cách hiệu quả.
Đối với trường hợp này, đề nghị cơ quan soạn thảo tham khảo cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất tại Điều 126 của Luật Đất đai. Theo Luật Đất đai, việc giao đất, cho thuê đất sẽ được thực hiện theo hai cơ chế (1) đấu giá quyền sử dụng đất và (2) đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trong trường hợp đấu giá, người trúng đấu giá có thể sử dụng đất để phát triển bất kỳ dự án nào họ muốn, miễn là tuân thủ các quy định khác của pháp luật. Trong trường hợp đấu thầu, nhà đầu tư được cấp đất buộc phải thực hiện dự án đầu tư đã được Nhà nước xác định trước khi đấu thầu.
Đối với khoáng sản, cần cân nhắc quy định tương tự. Theo đó, Nhà nước sẽ xác định mỗi mỏ khoáng sản có thể được đưa ra đấu giá hoặc đưa ra đấu thầu. Trong trường hợp đấu giá, nhà đầu tư khai thác khoáng sản có quyền tự mình chế biến hoặc bán cho bên khác. Trong trường hợp đấu thầu, nhà đầu tư buộc phải thực hiện toàn bộ dự án khai thác và chế biến khoáng sản. Việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ do Nhà nước chuẩn bị trước khi tiến hành đấu thầu. Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi tiếp cận quyền khai thác khoáng sản mà lại giúp gắn chặt hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.
Có ý kiến cho rằng Nhà nước khó có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để lập dự án nghiên cứu tiền khả thi dự án khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này không quá khó khăn. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (hay chủ trương đầu tư) chỉ bao gồm một số thông tin rất sơ khai về dự án như loại dự án, địa điểm, quy mô. Trên thực tế, UBND cấp tỉnh vẫn thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (chủ trương đầu tư) đối với rất nhiều dự án có sử dụng đất trên địa bàn. Do đó, đây không phải là khó khăn lớn đối với cơ chế đấu thầu.
Điều 4.7 Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định tài nguyên khoáng sản là một trong các tài sản công do Nhà nước quản lý. Thực tế, có tình trạng các doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò trước đây, và được quyền khai thác tại khu vực đó. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhà nước này không trực tiếp tự triển khai dự án khai thác mà tham gia liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác. Đây là một trong các hình thức triển khai dự án của doanh nghiệp, bên cạnh hình thức tự triển khai hay góp vốn quyền khai thác. Tuỳ theo chiến lược kinh doanh và nhu cầu kết hợp để tận dụng lợi thế mỗi bên mà doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức phù hợp. Tuy nhiên, Điều 62.l Dự thảo mới cho phép doanh nghiệp có quyền góp vốn, mà chưa có quyền liên doanh, liên kết trong khai thác khoáng sản. Do vậy, đề nghị bổ sung quyền này vào Điều 62 Dự thảo.
Thực tiễn, có tình trạng một số mỏ do một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò và được phê duyệt trữ lượng nhưng không khai thác. Trong trường hợp này, Dự thảo chưa có quy định cụ thể việc cấp phép khai thác mỏ cho doanh nghiệp khác sẽ được thực hiện theo hình thức nào. Để tránh tình trạng xin-cho, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, đề nghị bổ sung quy định theo hướng việc lựa chọn đơn vị khai thác các mỏ này thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác
Điều 110.1 Dự thảo quy định các trường hợp hủy kết quả trúng đấu giá. Ngoài các trường hợp này, Điều 72 Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng quy định rất nhiều trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản khác. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị rà soát, bổ sung quy định với Luật Đấu giá tài sản 2016.
Ngoài ra, Điều 110.1.b Dự thảo quy định hủy kết quả trúng đấu giá trong trường hợp mất quyền ưu tiên. Quy định này là chưa phù hợp vì việc mất quyền ưu tiên chỉ ảnh hưởng đến quyền của doanh nghiệp thăm dò khoáng sản, không ảnh hưởng đến kết quả trúng đấu giá, vốn dựa trên nguyên tắc trả giá. Do vậy, đề nghị bỏ quy định này.
Điều 50.1.c Dự thảo quy định doanh nghiệp thăm dò khoáng sản chỉ được bổ sung, điều chỉnh phương pháp, khối lượng, hạng mục công việc thi công sau khi được cơ quan nhà nước chấp thuận. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa hợp lý vì trong công tác thăm dò địa chất, đối tượng thăm dò là dự kiến nên khi thi công theo giấy phép thăm dò có thể phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế địa chất. Quy định hiện hành (Nghị định 36/2020/NĐ-CP, Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung) và quy định tại Dự thảo đều yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, kể cả với các công việc đơn giản như dịch chuyển, cắt ngắn, kéo dài…Các đơn vị thi công phải dừng chờ được chấp thuận khiến công trình bị sập lở, hỏng; một số trường hợp khác phải thi công lại mất nhiều thời gian, chi phí. Do vậy, đề nghị sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp được bổ sung, điều chỉnh phương pháp, khối lượng, hạng mục công việc thi công; trong trường hợp điều chỉnh lớn cần được cơ quan nhà nước chấp thuận, và giao Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp này.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, thực tế, việc biến động trữ lượng (tăng hoặc giảm) tại các mỏ khoáng sản là thực tế khách quan, dẫn đến các doanh nghiệp có nhu cầu được thăm dò bổ sung. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về nội dung này, dẫn đến không có cơ sở thực hiện trên thực tế. Do vậy, đề nghị bổ sung quyền thực hiện thăm dò bổ sung, quyền khai thác khoáng sản phù hợp với sai số của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vào Điều 62.1 Dự thảo; thẩm quyền của cơ quan nhà nước phê duyệt, xác nhận kết quả thăm dò bổ sung.
Một trong những nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị là ưu tiên thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm. Thực tế, công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến hiện nay cho phép việc thu hồi thêm các khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, các quy định tại Dự thảo chưa phù hợp với thực tế khai thác khoáng sản đi kèm nên chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thêm để có thể thu hồi khoáng sản đi kèm. Cụ thể, khoáng sản đi kèm thường không được đề cập trong báo cáo phê duyệt trữ lượng (dẫn đến không có thông tin để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), không có phương án kỹ thuật để thu hồi trong thiết kế khai thác mỏ, không được tính toán giá trị kinh tế khi xây dựng mô hình kinh doanh của dự án khai thác. Thông thường, khoáng sản đi kèm chỉ có thể thu hồi được trong quá trình khai thác khoáng sản chính qua công tác khoan kiểm soát hàm lượng, hoặc thu hồi được trong quá trình cải tiến công nghệ chế biến khoáng sản chính. Các đặc điểm trên đặt doanh nghiệp phải cân nhắc lợi ích kinh tế và hiệu quả đầu tư trước khi quyết định đầu tư để khai thác khoáng sản đi kèm. Do vậy, để đảm bảo việc khai thác, tận dụng triệt để, không gây lãng phí tài nguyên có giá trị như nhiệm vụ tại Nghị quyết 10-NQ/TW, đề nghị nghiên cứu một cơ chế ưu đãi với các doanh nghiệp thực hiện hoạt động thu hồi khoáng sản đi kèm, trong đó có thể cân nhắc một số nội dung sau: (i) không thu tiền cấp quyền khoáng sản với khoáng sản đi kèm (trừ trường hợp đã có cơ sở để xác định rõ trữ lượng cần thu hồi); (ii) các loại thuế, phí đối với khoáng sản đi kèm sẽ được tính trên cơ sở khối lượng khoáng sản đi kèm là thành phẩm cuối cùng đã thu hồi được; (iii) mức phí bảo vệ môi trường với khoáng sản đi kèm được tính như trường hợp khai thác tận thu khoáng sản.
Điều 51.1 Dự thảo quy định doanh nghiệp thăm dò khoáng sản được hưởng quyền ưu tiên nộp hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong thời gian 36 tháng kể từ ngày công nhận kết quả phê duyệt trữ lượng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, thực tế xuất hiện nhiều tình huống bất khả kháng nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Chính phủ yêu cầu hạn chế tạm thời việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, phải chờ kết quả thực hiện các dự án thí điểm mới cho triển khai các dự án tiếp theo (như bauxit) hay do điều kiện khai thác phức tạp, phải nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp (như than đồng bằng sông Hồng). Các tình huống trên dẫn đến doanh nghiệp không thể lập dự án xin cấp phép khai thác cho các khu vực đã thăm dò trong thời hạn 36 tháng để hưởng quyền ưu tiên. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp thăm dò khoáng sản, đề nghị bổ sung quy định theo hướng loại trừ trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật
Điều 65.1 Dự thảo quy định một giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành theo một giấy phép khai thác khoáng sản. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp với thực tế vì một mỏ có thể có nhiều giấy phép khai thác, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải thuê nhiều giám đốc điều hành mỏ, từ đó gây khó khăn cho công tác tổ chức, quản lý và tăng chi phí cho doanh nghiệp, trong khi việc điều hành vẫn diễn ra trong một địa điểm đó. Do vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng một giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một mỏ khai thác khoáng sản.
Điều 65.3 Dự thảo quy định điều kiện về kinh nghiệm với giám đốc điều hành khai thác mỏ là 03 năm với mỏ lộ thiên và 05 năm với mỏ hầm lò. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp với thực tế đặc thù công việc kỹ sư khai thác mỏ, trong đó chủ yếu tham gia quản lý, thực hiện nghiệp vụ về chuyên môn kỹ thuật, một phần tham gia trực tiếp khai thác. Để tiếp tục cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, đề nghị cân nhắc sửa đổi theo hướng giảm yêu cầu kinh nghiệm với giám đốc điều hành mỏ, ví dụ 02 năm với mỏ lộ thiên và 03 năm với mỏ hầm lò.
Điều 83.2.a Dự thảo quy định doanh nghiệp khai thác khoáng sản độc hại, khoáng sản với quy mô lớn phải lập, phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trước khi triển khai dự án đầu tư khai thác. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định với hoạt động khai thác khoáng sản quy mô lớn là chưa phù hợp vì không rõ rằng hoạt động này có rủi ro lớn đến mức phải lập riêng kế hoạch quản lý rủi ro, trong khi đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác khoáng sản. Quy định như vậy có thể làm tăng chi phí thực hiện thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Đề nghị làm rõ sự cần thiết của quy định này. Nếu không, đề nghị bỏ quy định.
Điều 69.1.b Dự thảo quy định giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi nếu chưa tiến hành hoạt động khai thác sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa hợp lý, vì sau khi được cấp giấy phép khai thác, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện rất nhiều thủ tục, trong đó có việc chờ được giao mặt bằng sạch từ Uỷ ban nhân dân tỉnh (sau khi bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất). Quá trình này hiện rất khó khăn, vướng mắc kéo dài, đặc biệt với các khu mỏ có quy mô lớn, dẫn đến không đảm bảo đủ thời gian triển khai dự án. Do vậy, đề nghị sửa đổi quy định theo hướng giấy phép bị thu hồi sau 12 tháng kể từ ngày địa phương bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Điều 85 Dự thảo quy định các trường hợp phải lập đề án đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, thực tế, một số mỏ lộ thiên sau khi kết thúc khai thác, doanh nghiệp có mong muốn được tận dụng làm bãi thải của đơn vị khác hoặc cho dự án mở rộng nâng công suất các tầng lò phía sâu. Do vậy, để tránh lãng phí chi phí hoàn nguyên môi trường, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tận dụng mỏ sau khi khai thác làm bãi thải của đơn vị khác hoặc dự án khác thì không phải lập và thực hiện đề án đóng cửa mỏ.
Điều 57.3 Dự thảo quy định về diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Quy định này liệt kê thiếu diện tích đổ thải, chế biến khoáng sản do các dự án khai thác mỏ yêu cầu cần có các diện tích này trong dự án. Đề nghị bổ sung cho phù hợp.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, ở điểm mỏ đã được phép, có trường hợp cùng một thân khoáng nhưng có hai hoặc ba đơn vị được phép các giấy phép khác nhau. Ranh giới giữa các giấy phép này có thể tồn tại khoảng hở từ 1-2m, thậm chí là 10m. Trong trường hợp này, không rõ đơn vị nào sẽ được quyền khai thác khoáng sản ở khoảng hở này. Đề nghị bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, có trường hợp, các mỏ ở điểm phân tán nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khi khai thác, phát hiện ra khoáng sản có trữ lượng lớn, thẩm quyền cấp phép phải thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong trường hợp này, không rõ doanh nghiệp cần thực hiện quy trình, thủ tục như thế nào? Và doanh nghiệp có được tiếp tục khai thác trong phạm vi giấy phép đã được cấp trong khi chờ cấp phép lại hay không? Đề nghị bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
Góp ý tương tự với trường hợp chuyển tiếp thẩm quyền cấp phép khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ chuyển từ khai thác vật liệu thông thường (thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh) sang khai thác đá mỹ nghệ (thẩm quyền của Bộ).
Hiện nay, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản là công ty đại chúng có nhu cầu cập nhật và công bố thông tin nhằm đảm bảo tính minh bạch về thông tin trong hoạt động khai thác khoáng sản với các bên liên quan theo tiêu chuẩn quốc tế của ngành công nghiệp khai khoáng (như bộ tiêu chuẩn JORC). Do vậy, đề nghị bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được cập nhật và công bố công khai thông tin về trữ lượng và tài nguyên trong khu vực được phép khai theo năm.
Điều 106 Dự thảo quy định Giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc xác định giá khởi điểm này căn cứ vào dự đoán trữ lượng cũng như giá tính thuế khoáng sản đó do UBND cấp tỉnh công bố. Quy định này phù hợp với nhiều loại khoáng sản mà thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước. Đối với một số loại khoáng sản mà thị trường mang tính toàn cầu thì khi giá này cần được tham chiếu với giá thế giới (có điều chỉnh các chi phí xuất nhập khẩu như thuế, phí, vận chuyển). Quy định này sẽ giúp giá khởi điểm được xác định phù hợp hơn, tránh giá quá cao hoặc quá thấp khiến việc đấu giá không hiệu quả.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
09:40:00 AM GMT+7Thứ 7, 21/09/2024
09:39:00 AM GMT+7Thứ 7, 21/09/2024
09:22:00 AM GMT+7Thứ 5, 19/09/2024
Các ấn phẩm, báo cáo chuyên sâu
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global